Mở đầu buổi tiếp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chào mừng ngài Ngoại trưởng Canada tới thăm và làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT). Giới thiệu về Bộ TN&MT, Bộ trưởng cho biết, Bộ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước trong 08 lĩnh vực: đất đai, tài nguyên nước, môi trường, địa chất khoáng sản, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, biển và hải đảo, đo đạc và bản đồ, viễn thám. Qua đây, Bộ trưởng gửi lời cảm ơn và đánh giá cao sự hỗ trợ, hợp tác của Chính phủ Canada đối với Bộ TN&MT ngay từ những ngày đầu thành lập giúp nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong các lĩnh vực của ngành.
“Canada đã có sự hỗ trợ cần thiết, tích cực trong xây dựng cơ chế, chính sách ngành TN&MT cũng như hỗ trợ Việt Nam tham gia Hội nghị COP21 về biến đổi khí hậu tại Paris. Tại Hội nghị, tôi đã thấy được quyết tâm và trách nhiệm cao của Canada đối với toàn cầu trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Tôi tin tưởng rằng, tiếp nối mối quan hệ truyền thống hơn 40 năm giữa hai nước cùng sự năng động, tích cực, trách nhiệm với quốc tế của mình, Canada sẽ thể hiện vai trò quan trọng đối với Việt Nam và quốc tế trong giải quyết các vấn đề tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Đồng tình với Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ông Stéphane Dion, Ngoại trưởng Canada mong muốn hai bên cần tăng cường hơn nữa hợp tác trong giải quyết các vấn đề TN&MT và ứng phó với BĐKH đang được coi là các thách thức của thế kỷ. Nhân chuyến thăm và làm việc với Chính phủ Việt Nam lần này, Ngoại trưởng cũng công bố khoản viện trợ 15 triệu USD của Canada cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có sáng kiến trong giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời, ông Stéphane Dion cũng muốn biết các thách thức của BĐKH mà Việt Nam đang phải đối mặt để đề xuất các biện pháp hỗ trợ.
Toàn cảnh buổi tiếp
Trao đổi các vấn đề mà ngài Ngoại trưởng quan tâm, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện tại và trong tương lai, Việt Nam đứng trước nhiều thách thức lớn của BĐKH. Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất của Việt Nam với hơn 25 triệu người dân sinh sống là nơi bị ảnh hưởng mạnh mẽ nhất từ BĐKH và nước biển dâng trong nhiều năm; nhất là trong năm nay, khi mùa mưa thì ngập lụt còn mùa cạn thì hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng. Tình trạng này cũng do tác động của các công trình thủy điện dòng chính thượng nguồn sông Mê Công khiến dòng chảy thay đổi, lượng nước ngọt giảm đột ngột. Đồng thời, Việt Nam cũng là quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của bão, lụt. Các cơn bão có xu hướng ngày càng mạnh, diễn biến ngày càng phức tạp do tác động của BĐKH. Một số nơi ở miền Trung phải hứng chịu từ 5 đến 6 cơn bão trong một năm; một số nơi khác ở Tây Nguyên thì đối mặt với tình trạng sa mạc hoá, gần như không có nước.
Về môi trường, do tập trung vào tăng trưởng kinh tế, dựa trên nền tảng công nghệ sản xuất và xử lý môi trường còn lạc hậu và giá trị môi trường thấp nên Việt Nam đang phải gặp nhiều thách thức. Đó là các dòng sông bị ô nhiễm, chất thải rắn được thu gom phần lớn nhưng chưa được xử lý hiệu quả, ô nhiễm không khí tăng cao, suy giảm đa dạng sinh học, mất nhiều loài quý hiếm,…
“Đó là những thách thức an ninh phi truyền thống nghiêm trọng mà Việt Nam đang phải đối mặt, cần phải được thẳng thắn chỉ ra, từ đó, mới đề xuất được các giải pháp hiệu quả trong thời gian sắp tới. Việt Nam xác định nếu không thay đổi mô hình, tư duy phát triển thì sẽ không thể thực hiện được Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững, thậm chí không thể phát triển được. Vì vậy, Việt Nam mong muốn biến thách thức thành cơ hội để thay đổi, lựa chọn mô hình phát triển tiên tiến.” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Trong thời gian qua, được sự hợp tác, giúp đỡ của các đối tác quốc tế, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống chính sách, pháp luật ngành TN&MT khá toàn diện. Vì vậy, Việt Nam mong muốn học hỏi Canada về các vấn đề quy hoạch liên vùng, quản lý nguồn nước xuyên biên giới để ứng phó với BĐKH; kinh nghiệm quản lý, thực thi pháp luật môi trường; kết nối trao đổi thông tin về dự báo để phòng chống thiên tai,…
Bộ trưởng cũng cho biết thêm, Việt Nam đã ký kết Thỏa thuận Paris và có trách nhiệm cùng thế giới cắt giảm khí nhà kính. Trong bản Đóng góp do quốc gia tự quyết định (INDC), Việt Nam sẽ bằng nội lực của mình và hợp tác quốc tế để tăng lượng khí nhà kính được cắt giảm. Trên nguyên tắc hợp tác cùng có lợi, Việt Nam muốn huy động sự hợp tác của các doanh nghiệp Canada trong chuyển giao công nghệ, phát triển công nghệ xanh và đầu tư năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
“Tôi thấy vui mừng khi nghe ngài Ngoại trưởng Canada cho biết sẽ công bố gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việt Nam cũng sẽ tạo điều kiện đơn giản thủ tục hành chính, định hướng các lĩnh vực mà doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tham gia như xử lý môi trường, năng lượng tái tạo, công nghệ sản xuất xanh. Chúng tôi xác định rằng, chính các doanh nghiệp vừa và nhỏ năng động, sáng tạo sẽ hỗ trợ rất lớn cho Việt Nam trong cắt giảm khí nhà kính và chuyển đổi công nghệ cacbon thấp.” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Kết thúc buổi tiếp, trước những thách thức và đề xuất được Bộ trưởng Trần Hồng Hà đưa ra, Ngoại trưởng Canada cam kết sẽ tăng cường hỗ trợ, cùng Việt Nam giải quyết những vấn đề này, làm tốt đẹp hơn nữa mối quan hệ truyền thống giữa hai nước.
Hai bên chụp ảnh lưu niệm