Cụ thể, các trạm quan trắc đã ghi nhận nhiệt độ trung bình tại khu vực Nam bộ khoảng 37°C. Trong đó, một số nơi của TPHCM đạt mức 38°C, Tây ninh 38,5°C, Đồng Xoài (Bình Phước) 39°C. Khu vực Tây Nam bộ nền nhiệt độ thấp hơn, tại Mộc Hóa - An Giang là 36°C. “Dù nhiệt độ không chênh lệch nhiều so với năm ngoái, tuy nhiên tại TPHCM, do khối bê tông, mặt nhựa đường hấp thu nắng nóng và tỏa nhiệt ngược trở lại môi trường xung quanh nên có thể nhiệt độ cao hơn từ 2 - 3°C so với số liệu đo được tại các trạm quan trắc” - ông Giám cho biết.
Theo dự báo, nhiệt độ cao nhất những ngày tới sẽ dao động ở mức 37°C - 39°C. Trời ít mây và chưa có dấu hiệu xuất hiện của mưa. Dự báo nắng nóng ở Nam bộ còn kéo dài đến nửa đầu tháng 5, trong đó cao điểm của nắng nóng từ tháng 4 đến nửa đầu tháng 5. Do môi trường chịu tác động đồng thời của bức xạ mặt trời và áp thấp nóng từ phía Tây, nên nắng nóng không kéo dài liên tục mà chia làm từng đợt, mỗi đợt trung bình kéo dài từ 5 ngày đến 1 tuần. Nhiệt độ tại TPHCM có thể đạt ngưỡng 40°C.
* Ngày 19-3, Trung tâm Dự báo KT-TV Trung ương cho biết, một bộ phận không khí lạnh vừa xuất hiện và đang di chuyển xuống nước ta. Dự báo khoảng chiều tối và đêm 20-3, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung bộ, phía Tây Bắc bộ và Trung Trung bộ.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ chiều tối và đêm 20-3, ở các tỉnh phía Đông Bắc bộ có mưa, mưa rào. Phía Tây Bắc bộ, Bắc và Trung Trung bộ từ ngày 21-3 bắt đầu có mưa nhiều nơi, có nơi mưa vừa, mưa to. Gió chuyển hướng Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 2 - 3, vùng ven biển cấp 3 – 4. Từ đêm 20-3, ở vịnh Bắc bộ và khu vực phía Bắc biển Đông cũng có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8. Biển động. Vùng biển quần đảo Hoàng Sa từ chiều 21-3 có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động. Ở các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ trời trở rét, riêng các tỉnh phía Đông Bắc bộ có khả năng xảy ra rét đậm, vùng núi rét hại trong các ngày 21 và 22-3.
Theo SGGP Online