*Hiệu quả của Văn phòng Đăng ký đất đai
Bước chuyển biến rõ nét nhất trong cải cách thủ tục hành chính về đất đai cho các hộ gia đình, cá nhân là sự ra đời của mô hình Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp. Đây được coi là đầu mối tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính về đất đai đối với các hộ gia đình, cá nhân mà không phải qua nhiều cửa như trước đây. Đồng thời, quy trình giải quyết, kiểm soát hồ sơ từ khi tiếp nhận đến giao cho từng cán bộ thụ lý đã từng bước được chuẩn hóa. Thời gian giải quyết hồ sơ từ nhiều trường hợp không đúng hạn, còn tồn đọng, nay, được trả đúng hẹn và đang tiến tới cắt giảm 30% thời gian giải quyết so với trước đây. Tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện, đã được bố trí cán bộ riêng để hướng dẫn nhân dân thực hiện các thủ tục hành chính khi đến giao dịch.
Đặc biệt, chất lượng thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận sau khi thành lập Văn phòng đã được được nâng cao, bảo đảm sự thống nhất trong toàn tỉnh, thành phố do Văn phòng thường xuyên kiểm tra, quản lý, hướng dẫn các Chi nhánh thực hiện nhiệm vụ. Thủ tục hành chính đối với những địa phương đã thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai là 41 thủ tục (nếu chưa thành lập là còn 62 thủ tục). Thời gian thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận được bảo đảm đúng quy định; thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận giảm thời gian thực hiện từ 5 - 25 ngày so với trước đây. Được biết, tính đến cuối tháng 6/2016, cả nước đã có 51 tỉnh, thành thành lập Văn phòng đăng ký đất đai.
Tại Hà Nội sau hơn 1 năm hoạt động, Văn phòng đã hoàn thiện và ban hành các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, bộ máy và các quy định về trình tự, thủ tục hành chính đất đai. Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2016, Văn phòng đã tiếp nhận và giải quyết hơn 82.000 hồ sơ, trong đó, cấp 823 Giấy chứng nhận cho các tổ chức; cấp mới 10.447 sổ đỏ cho các hộ gia đình, cá nhân; đăng ký biến động (tặng, cho, thừa kế, chuyển nhượng...) 42.000 hồ sơ...
*Thành lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh sai phạm
Cuối tháng 4, Bộ Nội vụ đã công bố chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính cho thấy, chỉ số giải quyết thủ tục cấp sổ đỏ đã được cải thiện, từ gần 70% lên 74,4%, nhưng vẫn là con số thấp nhất trong số 6 thủ tục hành chính được khảo sát. Trước đó, báo cáo về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2015 do Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức cũng cho thấy, tình trạng nhũng nhiễu trong cấp sổ đỏ có xu hướng gia tăng ở các địa phương. Đáng chú ý, khoảng 44% số người được khảo sát xác nhận phải "bôi trơn" khi làm sổ đỏ. Có ý kiến cho rằng, điều này phản ánh đúng thực tế, vì thủ tục cấp sổ đỏ vẫn còn rườm rà, phí và lệ phí chưa được công khai đầy đủ, người dân không nhận được kết quả đúng hẹn.
Liên quan tới việc này, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã chỉ đạo thành lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin của người dân và doanh nghiệp phản ánh về tình trạng nhũng nhiễu khi làm sổ đỏ. Đồng thời, đề nghị các địa phương thành lập nhằm chấm dứt tình trạng gây nhũng nhiễu trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến nay, cả nước đã có 47/63 tỉnh, thành phố công bố số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của người dân về tình hình vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai.
Đồng thời, Bộ trưởng đã ban hành Quyết định của về việc thành lập Tổ công tác giải quyết tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp sổ đỏ. Thực hiện Quyết định này, thời gian qua, Tổng cục Quản lý đất đai đã phối hợp với một số đơn vị trực thuộc Bộ thanh, kiểm tra tại 8 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Nam Định và Thái Bình.
Thế nhưng, theo kết quả ban đầu của các Tổ công tác, các địa phương này vẫn còn một số quy định về đăng ký đất đai, cấp sổ đỏ chưa được triển khai thực hiện, cụ thể: chưa thực hiện đăng ký bắt buộc với các trường hợp chưa đăng ký, lập hồ sơ địa chính điện tử việc chứng thực hợp đồng thực hiện các quyền tại UBND cấp xã; chưa thực hiện quyết định để lưu sổ đỏ trước khi trao cho người được cấp; bản sao sổ đỏ để lưu chưa được sao y theo quy định…
Bên cạnh đó, nhiều nội dung 8 địa phương này còn chưa thực hiện tốt như: Hồ sơ phải nộp có nhiều giấy tờ không cần thiết; không kiểm tra hồ sơ khi tiếp nhận, nên có nhiều hồ sơ nội dung chưa đầy đủ, không thống nhất; một số thủ tục công việc thực hiện không cần thiết hoặc không đúng thẩm quyền; còn nhiều hồ sơ ở các cấp để chậm trễ, kéo dài nhiều tháng, nhiều năm không giải quyết; một số trường hợp đăng ký biến động áp dụng không đúng loại thủ tục quy định. Đặc biệt, tình trạng trả lại hồ sơ không được giải quyết vì các lý do trái quy định là khá phổ biến, đây chính là nguyên nhân cơ bản kéo dài thời gian thực hiện thủ tục, gây phiền hà cho người dân và là một trong các nguyên nhân dẫn tới việc đánh giá thấp, phản ánh về tình hình nhũng nhiễu trong cấp sổ đỏ của các địa phương, nhất là tại Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu… Liên quan việc này, Tổng cục đã tổng hợp, báo cáo kết quả tới Bộ, để sớm có phương án chỉ đạo, giải quyết.
*Tiếp tục rà soát, cắt giảm
Ông Lê Văn Lịch, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, thực hiện kế hoạch của Bộ TN&MT về cải cách hành chính, Tổng cục đã ban hành kế hoạch cải cách hành chính, đồng thời, thực hiện kiện toàn lại cán bộ phụ trách công tác này tại các đơn vị trực thuộc Tổng cục. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2016, Tổng cục đã tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện cải cách đồng bộ các nội dung về công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai. Cụ thể, đã rà soát, cắt giảm các thủ tục được thực hiện lồng ghép vào trong quá trình dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó, riêng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2013 (đã trình Chính phủ để ký ban hành) đã cắt giảm thời gian thực hiện một số thủ tục xuống còn 1/2 so với trước đây.
Đồng thời, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương thực hiện việc rà soát các thủ tục hành chính về đất đai đã công bố, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để sửa đổi theo hướng cải cách, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Ông Lịch cho biết thêm, tới đây, Tổng cục sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, kiểm soát chặt chẽ các quy định liên quan đến thủ tục hành chính trong quá trình xây dựng các dự thảo Nghị định, Thông tư theo tinh thần Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Nguồn: Website Bộ TN&MT