• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
9
9
9
1
3
0
Tin tức sự kiện 28 Tháng Mười Hai 2012 8:10:00 SA

Việc xử lý những sai phạm trong quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản còn thiếu nghiêm minh

Thời gian gần đây hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản của nước ta có những diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do yếu kém trong quản lý Nhà nước về khoáng sản, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương còn thiếu chặt chẽ, việc xử lý những vi phạm trong thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản còn thiếu nghiêm minh. 

 Trong 3 năm (từ năm 2009 - 2011), Tổng cục Địa chất và Khoáng sản - Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 670 đơn vị với 673 Giấy phép hoạt động khoáng sản. Ngoài ra còn kiểm tra tại 16 tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 2304 ngày 10/4/2009 về việc kiểm tra thực trạng khai thác tài nguyên rừng, đã cho thấy hầu hết các tỉnh, các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản được thanh tra, kiểm tra đều vi phạm về các hành vi, như cấp Giấy phép không đúng thẩm quyền; chưa hoàn thiện khoanh định vùng cấm, tạm thời cấm; chưa lập bản đồ hiện trạng; bổ nhiệm Giám đốc điều hành mỏ chưa đúng theo quy định của pháp luật... 
Đề cập về một số dạng sai phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản, Thạc sĩ Lê Thế Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra khối kinh tế ngành, Thanh tra Chính phủ cho biết: Trong ban hành văn bản cũng có một số văn bản nội dung trái với Luật Khoáng sản. Đơn cử như việc quy định thời hạn cấp phép lần đầu không quá 5 năm, một lần gia hạn không quá 3 năm là trái với điểm 3 Điều 31 Luật Khoáng sản. Dẫn tới việc “lách luật” của doanh nghiệp trong việc không thăm dò khai thác khoáng sản trước khi cấp phép. 
 Trong hoạt động cấp phép: Việc cấp phép khai thác tận thu khoáng sản sai quy hoạch, không đảm bảo trình tự thủ tục; được cấp phép khi chưa đánh giá tác động môi trường, nộp thuế đất; cấp phép tại khu vực chưa có quy hoạch thăm dò khai thác; cấp phép vượt quá diện tích được cấp thẩm quyền phê duyệt...Trong hoạt động khai thác phổ biến nhất là vi phạm trong việc chấp hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn khai thác mỏ; cam kết bảo vệ môi trường; đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác dẫn đến tai nạn lao động nghiêm trọng. 
 Đặc biệt, vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng đất đai, biên giới mỏ là dạng sai phạm chiếm tỷ lệ tương đối cao. Có địa phương trên 60% số mỏ được cấp phép chưa hoàn thành thủ tục thuê đất nhưng vẫn tiến hành khai thác khoáng sản. Chẳng hạn như tỉnh Nghệ An có tới 127 điểm mỏ trong tổng số 205 điểm mỏ phải thuê đất của 121 doanh nghiệp nhưng chưa làm thủ tục thuê đất. Hoặc một số tỉnh khác chiếm dụng đất rừng cho hoạt động khai thác khoáng sản, như mỏ than Đồng Rì chiếm dụng 1.343ha; mỏ vàng Bồng Miêu, mỏ vàng Phước Sơn chiếm dụng tổng cộng 302,3ha; các mỏ đá, cát chiếm dụng 184,33ha; các mỏ than, vàng do tỉnh cấp phép chiếm dụng 485,15ha rừng...       
Đồng thời việc ký quỹ môi trường ở một số địa phương chỉ chiếm tỷ lệ trên 50%. Nhìn chung các đơn vị khi thu hồi chưa thực hiện nghiêm túc quy định về đóng cửa mỏ, hoàn nguyên môi trường theo quy định. Vi phạm các quy định về xử lý môi trường, nhất là nước thải, ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm chất thải rắn tới môi trường trong khai thác khoáng sản cũng chưa được thực hiện nghiêm túc. Đó là chưa kể một số cơ quan Hải quan thông quan sai quy định về nguồn gốc, Giấy phép khai thác đối với mặt hàng khoáng sản, cụ thể là đá trắng, đá ốp lát, đá khối... cũng như vi phạm về gian lận chất lượng, chủng loại, số lượng khoáng sản trong quá trình xuất khẩu.

 Văn Hào 


Số lượt người xem: 3825    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm