• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
7
7
5
3
3
5
Tin tức sự kiện 25 Tháng Mười Một 2013 4:45:00 CH

Đề xuất ứng phó biến đổi khí hậu vào Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

(TN&MT) - Ngày 23/11, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Quỹ Rosalux của Cộng hòa liên bang Đức tổ chức Hội thảo quốc tế về “Biến đổi khí hậu và Bảo vệ môi trường ở Việt Nam”.
 
Các đại biểu tham dự Hội thảo
 
Tham dự Hội thảo có các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các Bộ ban ngành và các chuyên gia trong nước, quốc tế.
Mục tiêu của Hội thảo nhằm chia sẻ những thông tin với các đại biểu Quốc hội, các nhà quản lý, các nhà khoa học góp phần phục vụ cho việc xây dựng Dự án Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) và việc xây dựng chính sách, giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) ở Việt Nam.
 
Ứng với biến đổi khí hậu không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội
Phát biểu khai mạc, ông Phan Xuân Dũng Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, BĐKH tác động mạnh đến Việt Nam và các nước trên thế giới. Đơn cử, mới đây, cơn bão Haiyan với sức gió 315km/h, siêu bão mạnh nhất trong lịch sử đã tàn phá đất nước Philippines, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Những ngày này ở Việt Nam, miền Trung đang phải đối mặt với việc khắc phục hậu quả của cơn bão số 15 và tình trạng mưa kéo dài gây ngập lụt ở nhiều nơi.
 
Từ ngày 11-22/11/2013, Hội nghị thường niên của Liên Hợp Quốc về BĐKH COP 19 diễn ra tại Varsawa, Ba Lan, đại biểu của hơn 190 quốc gia trên thế giới đã đế cập đến vấn đề BĐKH và những thảm họa khốc liệt do BĐKH gây ra. Những câu hỏi bức thiết được đặt ra tại Hội nghị đang đòi hỏi trách nhiệm của các quốc gia dưới sự suy giảm của môi trường và BĐKH. “Ứng phó với BĐKH cần được đặt trong mối quan hệ toàn cầu, không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững. Đây cũng là quan điểm nhất quán của Nhà nước Việt Nam”, ông Phan Xuân Dũng nói.
 
Theo ông Phan Xuân Dũng, chủ trương của Việt Nam là phấn đấu đến năm 2020, về cơ bản, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính; có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững, kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường; chủ động phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng đối với vùng ven biển nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, ven biển miền Trung.
 
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nadja Charaby, Trưởng đai diện Rosalux tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc đưa ra những biện pháp góp phần giảm nhẹ BĐKH và Bảo vệ môi trường. Bà cũng bày tỏ những vui mừng trong mối quan hệ hợp tác giữa Cộng hòa liên bang Đức và Việt Nam đã có  thêm một bước tiến mới. Hội thảo cũng là sự khởi đầu cho việc trao đổi, hợp tác với Quỹ Rosalux của Cộng hòa liên bang Đức về BĐKH với Việt Nam một cách hiệu quả trong tương lai.
 
Lồng ghép ứng phó với biến đổi khí hậu vào Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Kế Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, môi trường và BĐKH có mối quan hệ gắn kết hữu cơ vì thế môi trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến BĐKH. Hiện nội dung về biến đổi khí hậu nằm rải rác trong các điều Luật khác nhau của Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
 
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Lê Kế Sơn phát biểu tại Hội thảo
 
Điều 26 Dự thảo Luật có quy định đưa nội dung ứng phó BĐKH vào chiến lược quy hoạch kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Tại điều này, các chuyên gia đề nghị các quy định có tính nguyên tắc: Các nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu phải được thể hiện trong chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; Việc ứng phó với BĐKH phải được thực hiện trên nguyên tắc phát triển bền vững, hệ thống có tính liên ngành, lãnh thổ; Việc tích hợp ứng phó với biến đổi khí hậu phải trên cơ sở đánh giá qua lại… Theo ông Lê Kế Sơn, ý kiến nhiều nhà khoa học khi xây dựng Dự thảo Luật đã đề xuất xây dựng nội dung này thành chương riêng và cụ thể hơn nữa các quy định của điều này.
 
Đối với quy hoạch bảo vệ môi trường, hiện các nước trên thế giới đều đã có và cũng như các quy hoạch chuyên ngành khác. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, như vậy sẽ có nhiều quy hoạch và quy hoạch chồng quy hoạch nên trong tờ trình Chính phủ không còn quy hoạch BVMT. Mong muốn các nhà khoa học tiếp tục thuyết minh có sức thuyết phục hơn để có đối thoại về quy hoạch BVMT. Ông Lê Kế Sơn dẫn ví dụ, chúng ta phải xác định rõ những vùng nào sẽ được phép xây dựng nhà máy hóa chất, vùng nào cấm hẳn những nhà máy thải ra môi trường nước hóa chất vượt quá tiêu chuẩn, những vùng nào cần nhà máy xử lý chất thải nguy hại. Nếu không hiện nay đang có sự phát triển tương đối tùy tiện dẫn đến hệ quả ô nhiễm môi trường.
 
Ông Lê Kế Sơn cho biết, quy hoạch nào mới xây dựng phải phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường mới được thông qua chứ không phải quy hoạch bảo vệ môi trường sẽ làm đảo lộn một số quy hoạch vốn có như một số người vẫn băn khoăn.
Vẫn theo ông Lê Kế Sơn, thích ứng với BĐKH cũng là một nội dung của quy hoạch BVMT. Ban soạn thảo Dự thảo Luật cũng đã đề xuất 2 cấp độ: quy hoạch BVMT quốc gia và cấp tỉnh. Quy hoạch quản lý chất thải, quan trắc môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học phải phù hợp với quy hoạch BVMT. Quy hoạch BVMT cấp tỉnh phải thống nhất với quy hoạch BVMT cấp quốc gia bởi lẽ, ô nhiễm môi trường không có biên giới, vì thế nếu quản lý môi trường phân cách biên giới sẽ tạo ra sự cản trở.
 
Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng đã nghe ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu chia sẻ các mô hình dự báo và hình thức dự báo, cập nhật kịch bản BĐKH, nước biển dâng, đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp với tình hình của đất nước.
Nhiều nội dung khác như ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ ứng phó với BĐKH trên thế giới và khả năng ứng dụng vào Việt Nam; Tác động của BĐKH và nước biển dâng tới tài nguyên và môi trường ở đồng bằng sông Cửu Long và đề xuất các giải pháp ứng phó… cũng được các chuyên gia giới thiệu và truyền đạt tại Hội thảo.
                                                                                                                                                                                  Thúy Hằng – Hồng Phương

Số lượt người xem: 3136    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm