• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
7
8
6
4
8
0
Tin tức sự kiện 27 Tháng Mười Một 2013 3:45:00 CH

Thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường: Thiếu chế tài - khó xử lý dứt điểm!

(TN&MT) - Thời gian qua, Bộ TN&MT đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý một số vi phạm trong nhiều lĩnh vực còn nhiều bất cập, nhất là chế tài, hệ thống pháp luật về đất đai và môi trường.
Sai phạm… nhưng khó xử lý
 
Theo Báo cáo công tác thanh kiểm tra của Bộ TN&MT, từ đầu năm 2012 đến nay Thanh tra Bộ và các Tổng cục, cục đã triển khai 173 cuộc thanh tra kiểm tra, trong đó có 43 cuộc kiểm tra hành chính và 130 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trên các lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước.... Qua thanh, kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm của các tổ chức, doanh nghiệp trong các lĩnh vực, tuy nhiên do còn nhiều vướng mắc về chế tài nên việc xử lý dứt điểm các vi phạm này còn hạn chế. Đơn cử, chỉ tính riêng lĩnh vực đất đai, qua 12 cuộc thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện 190.453 ha có vi phạm, mới chỉ xử lí được 106.662 ha, xử phạt hành chính 3.976 triệu đồng, truy thu nộp ngân sách 66.042 triệu đồng, xử lí khác 2.748 triệu đồng… Đối với các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, qua tổng hợp của 63 tỉnh, thành cho thấy, có 8.159 tổ chức vi phạm với diện tích 118.787 ha. Đến tháng 5/2013 cũng mới xử lí được 5.178 tổ chức (đạt 63,4%), với diện tích 105.037 ha (88,4%).
 
Theo ông Lê Văn Lịch, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, các sai phạm chủ yếu là tại đất của các tổ chức, với các hành vi vi phạm đất đai chủ yếu là chậm đưa đất vào sử dụng, sử dụng lãng phí, sử dụng không đúng mục đích.... Tuy nhiên, việc thu hồi đất là vấn đề rất khó, còn nhiều vướng mắc trong quá trình xử lý, nhất là các chủ đầu tư chậm tiến độ, sử dụng đất sai mục đích, hay như các chủ đầu tư đã đầu tư rồi nhưng chậm tiến độ, đều rất khó xử lý.
 
Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cho rằng, một phần do kỷ cương ở các địa phương chưa nghiêm, thực hiện của các địa phương chưa quyết liệt, tuy nhiên các địa phương cũng vướng về cơ chế chính sách. Đơn cử, mặc dù ở địa phương có nhiều dự án không triển khai quá thời hạn 12 tháng, hoặc triển khai chậm quá 24 tháng, thu quy định là phải thu hồi nhưng việc thu hồi không đơn giản, nếu chủ đầu tư đã đầu tư cơ sở hạ tầng rồi. Nhiều địa phương gặp khó, vì không đủ kinh phí để hoàn trả cho chủ đầu tư đã trả tiền thuê đất, sử dụng đất.
 
Còn trong lĩnh vực tài nguyên nước, thì trong 7 đoàn thanh tra đối với 76 dự án thủy điện trên địa bàn 16 tỉnh trong năm 2011 - 2012. Trong đó, có 33 dự án đã vận hành phát điện và 43 dự án đang triển khai xây dựng. Kết quả cho thấy, nhiều dự án hoạt động không quan tâm tới việc quản lý, sử dụng tài nguyên nước như: Có 46/76 dự án đã hoạt động chưa có giấy phép khai thác nước mặt theo qui định; 100% dự án đang phát điện không đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu; Nhiều công trình thủy điện đã và đang xây dựng, phần lớn là thủy điện nhỏ không bố trí phương án công trình để chủ động xả nước về hạ du gây ra tranh chấp về nguồn nước. Đối với các công trình vận hành theo qui trình liên hồ cũng chưa đảm bảo xả nước đón lũ theo đúng quy định…
 
Về lĩnh vực môi trường, Bộ đã tổ chức 31 cuộc thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với 669 tổ chức. Kết quả thanh tra cho thấy, công tác lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường còn hạn chế; việc xử lý vi phạm của UBND một số tỉnh còn thiếu kiên quyết, Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp vi phạm quy định về chôn hóa chất độc hại, xả chất thải vượt quy chuẩn ra môi trường; trong đó có một số doanh nghiệp đã nhiều lần bị xử phạt vẫn cố tình vi phạm. Điển hình nhất là vụ chôn thuốc trừ sâu của Công ty Nicotex Thành Thái và vụ xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của Công ty Hào Dương (đơn vị đã bị xử lý hành chính đến 9 lần nhưng vẫn tái phạm, gần đây nhất, do không làm tốt công tác bảo hộ lao động nên tại công ty đã xảy ra vụ việc 3 công nhân bị chết ngạt trong hầm xử lý nước thải).
 
Tiếp tục hoàn thiện chế tài
 
Để gỡ vướng việc xử lý các sai phạm trong lĩnh vực đất đai, nhất là thu hồi dự án kém hiệu quả, chậm tiến độ, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết, Bộ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 07 yêu cầu các tỉnh rà soát thu hồi các dự án này. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục gia hạn thêm 1 năm nữa để các địa phương tiếp tục xử lý và chậm nhất đến 30/11/2013 các địa phương sẽ phải báo cáo Bộ, để Bộ sẽ báo cáo Chính phủ. Bên cạnh đó, Luật Đất đai sửa đổi dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối tháng này sẽ củng cố thêm chế tài, khắc phục được những hạn chế còn tồn tại này.
 
Theo ông Lê Kế Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trưởng cho hay, để đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về môi trường, hiện trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường mà Quốc hội sắp thảo luận, chúng tôi đề nghị quy định rất rõ trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu các tổ chức quản lý liên quan đến các tổ chức vi phạm phải chịu trách nhiệm. Cùng với đó, đề nghị thời hiệu khởi kiện là thời hiệu kể từ khi người bị xâm phạm phát hiện ra mình bị tổn hại, nghĩa là bất cứ khi nào phát hiện ra đều có thể khởi kiện về môi trường. Bởi, trong Luật Dân sự có quy định thời hạn khởi kiện là 2 năm nhưng đối với môi trường, nếu áp dụng điều này thì rất nhiều vụ thoát tội, vì có những hậu quả mà 10 năm, 20 năm sau mới nhận thấy, như dioxin…
 
                                                                                                                                                                                                        Trường Giang

Số lượt người xem: 3408    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm