• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
7
7
2
6
9
5
Tin tức sự kiện 27 Tháng Mười Một 2013 3:35:00 CH

Chỉ thị môi trường - Tầm nhìn mới trong quản lý môi trường các đảo

(TN&MT) - Để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững biển, hải đảo, kể cả các đảo chưa có người sinh sống, vừa qua các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý biển và hải đảo,Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, đã xây dựng bộ chỉ thị môi trường phù hợp với đặc thù biển đảo nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý, bảo vệ môi trường. Đây sẽ là cơ sở quan trọng, một định hướng mới, một tầm nhìn chiến lược trong công tác quản lý và kiểm soát ô nhiễm khi bắt đầu khai thác kinh tế trên các vùng biển, hải đảo.
 
 80 chỉ thị cho nhóm đảo kinh tế phát triển
 
Để xây dựng bộ chỉ thị môi trường cho các nhóm đảo khác nhau, phục vụ nhu cầu khác nhau cho việc xây dựng các chỉ tiêu môi trường thích ứng, các nhà khoa học đã phân thành 2 nhóm đảo chính là nhóm đảo kinh tế phát triển và nhóm đảo kinh tế chưa phát triển. Nhóm đảo có kinh tế phát triển bao gồm các huyện đảo Vân Đồn, Cát Hải, Phú Quý và Phú Quốc.
 
Đối với nhóm đảo kinh tế phát triển, do phân bố trên biển, khu vực lãnh thổ chịu ảnh hưởng trực tiếp và khá sâu sắc của chế độ hải dương, khí tượng thủy văn biển, là “cửa ngõ” của đất nước trong giao lưu với quốc tế và khu vực, đảm bảo an ninh quốc phòng của cả nước nên đã xuất hiện nhiều vấn đề môi trường cần xử lý. Đại đa số các đảo của các huyện đảo đều thuộc khu bảo tồn biển, như vậy phát triển kinh tế sẽ hạn chế hơn ở các phân khu bảo tồn nghiêm ngặt và vùng đệm.
 
Các chỉ thị động lực chính đối với môi trường trên nhóm các đảo là quy mô phát triển dân số, chỉ số phát triển du lịch, vận tải hàng hải, phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, chế biển hải sản và một số loại hình sản xuất công nghiệp khác.
 
Từ việc xác định được các chỉ số, áp lực môi trường, xã hội mà các đảo sẽ phải gánh chịu trong quá trình phát triển, các nhà khoa học đã đưa ra 80 yêu cầu chỉ thị môi trường cho nhóm đảo này, trong đó xác định rõ những áp lực chính mà các đảo sẽ phải gánh chịu là: Áp lực đối với môi trường không khí chủ yếu do lượng bụi thải và các khí ô nhiễm theo ngành; Áp lực đối với môi trường nước ngầm và nước mặt  do nhu cầu sử dụng nước, sự phát triển các bãi chôn lấp rác và nước thải theo các lĩnh vực; Áp lực đối với môi trường nước biển ven bờ do thải lượng chất ô nhiễm từ đất liền, ô nhiễm do rò rỉ, tràn dầu và nạo vét luồng lạch ở khu vực biển gần các đảo.
 
Theo đó, đề xuất các chỉ thị cần áp dụng để giảm ô nhiễm môi trường tối đa trên các đảo, đó là chỉ cho phát triển, sử dụng nhiên liệu sạch, tăng diện tích cây xanh trên đảo ở một tỷ lệ hợp lý; Kiểm soát nguồn nước thải đô thị và công nghiệp, phát triển nguồn nước sinh hoạt và sử dụng hố xí hợp vệ sinh và các biện pháp quản lý, thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; Kiểm soát chặt nguồn nước thải đô thị và công nghiệp thải trực tiếp vào nước biển bằng các biện pháp cứng rắn theo quy định của pháp luật.
 
50 chỉ thị môi trường cho nhóm đảo chưa phát triển
 
Nhóm đảo kinh tế chưa phát triển gồm các huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vỹ, Lý Sơn, Cồn Cỏ, Kiên Hải, Côn Đảo, Hoàng Sa và Trường Sa.
 
Đối với các đảo chưa có người ở, có thể thấy không có các áp lực, tác động đến môi trường không khí, nước ngọt và nước ngầm trên đảo. Chỉ có môi trường nước biển ven đảo sẽ có thể bị tác động trực tiếp bởi các hoạt động quanh đảo như nuôi trồng thủy sản. Trên cơ sở đó, các nhà khoa học đề xuất  50 chỉ thị cho nhóm đảo chưa phát triển bao gồm các chỉ thị hiện trạng, áp lực, tác động, thích ứng trong các lĩnh vực không khí, môi trường nước cho nhóm đảo chưa phát triển và nhóm đảo chưa có người.
 
Thực tế cho thấy, các đảo thuộc loại này thường là các đảo có vị trí tiền tiêu có định hướng ưu tiên về bảo vệ an ninh quốc phòng và đang được định hướng  phát triển du lịch, nghề cá, kết hợp với bảo tồn đa dạng sinh học. Chính vì vậy, những áp lực lên môi trường hầu như chưa có. Chất lượng không khí, môi trường nước mặt và nước ngầm trên đảo và môi trường nước biển ven đảo quanh khu vực này được đánh giá là khá tốt. Vì vậy, đây là một thuận lợi lớn khi đưa ra các bộ chỉ thị môi trường cần đánh giá áp dụng cũng như lựa chọn quy mô dân số, ngành nghề, phương tiện giao thông phát triển trên các đảo loại này.
 
Việc áp dụng Mô hình Động lực – Áp lực - Trạng thái - Tác động - Thích ứng để xây dựng bộ chỉ thị môi trường trên các đảo cho thấy được những nhiệm vụ đặt ra mang tính cấp bách đối với nhóm đảo đã có kinh tế phát triển nhằm hạn chế những nguồn gây ô nhiễm, đồng thời định hướng quản lý những nhóm đảo có tiềm năng song chưa đi vào khai thác. Việc áp dụng bộ chỉ thị môi trường vào công tác quản lý, giám sát cũng như đề xuất lựa chọn mô hình phát triển phản ánh một tầm nhìn mới, cách quản lý mới để môi trường các đảo của Việt Nam không rơi vào tình trạng “kinh tế phá môi trường“ như các đô thị hiện nay.

                                                                                                                                                                                       Kim Liên


Số lượt người xem: 3383    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm